Công Quốc Hà - Đam mê và lãng mạn


Ngay từ những bức tranh đầu tiên Công Quốc Hà đã tạo được sự chú ý bằng bút pháp tạo hình đầy cá tính. Đó là cái riêng  và cái độc đáo trong tác phẩm mà nhiều họa sỹ mong muốn đạt được. Thành đạt khá sớm , Công Quốc Hà xác định một con đường riêng và thiết lập ngôn ngữ tạo hình cho mình một cách ổn định.

Thế giới tạo hình của nghệ sỹ không bắt nguồn từ tiềm thức, sự cô đơn của thân phận, mà bắt đầu từ chính thời khắc đang tồn tại. Nó hướng về đời sống đầy sinh lực. Hà có bút lực, phóng khoáng và lãng mạn, tạo ra sự hấp dẫn tự nhiên.

Là người Hà Nội gốc nên tranh của anh đậm chất thị thành: hào hoa mà giản dị, sang trọng nhưng nhã nhặn, lãng mạn yêu đời nhưng thâm trầm, kín đáo của "sĩ phu Bắc Hà", coi cái tình nặng hơn cái lý, nên tranh Công Quốc Hà thắm đượm tình cảm hướng về con người, hoa lá, cây cỏ...bộc lộ niềm vui, lạc quan trong cuộc sống an lạc. Các nhân vật của Hà sống bình dị,hòa đồng với thiên nhiên và đó cũng là quan niệm xuất phat´ từ đời sống nhân văn của tác giả.

Họa sỹ rất mạnh về bố cục và hình. Sắc độ và màu được sử dụng nhuần nhị và tinh tế. Anh không có những giây phút bồng bột và phiêu lưu đi tìm cái gọi là sự mới lạ và hiện đại cho hình thức tác phẩm.

Các hình thức sẽ tự đến và không ẩn đằng sau các nhân vật,sự vật. Công Quốc Hà hướng ngoại với sự hưng phấn tràn trề của cảm hứng sáng tạo. Tranh của anh không hoàn toàn theo trường phái hiện thực hay biểu hiện. Có lẽ là sự hỗn dung của cả hai. Anh vẽ thành công trên nhiều chất liệu: sơn mài, sơn dầu, bột màu, điêu khắc, gốm, đồng... Dù với chất liệu nào người xem cũng nhận ra bút pháp của Công Quốc Hà, ghi lại dấu ấn tinh thần của đời sống cộng sinh những năm cuối thế kỷ.

Với quan niệm cứ sống tận cùng, trung thực với cảm xúc cá nhân thì cuối cùng cái Hiện đại, cái bản sắc Dân tộc cũng sẽ bộc lộ ra từ tác phẩm. Đó là mục đích tự thân của nghệ thuậtvà đó cũng là sự ghi nhận của người xem đối với hội họa Công Quốc Hà.

                                                                                                   Nguyễn Văn Cương

                                                                                                  Thạc sỹ nghệ thuật học

                                                                                                   Hà nội 1998